Blog Action Day 2009 - Biến đổi khí hậu

Thursday, October 15, 2009
Blog Action Day 2009
Xã hội phát triển, đời sống vật chất tinh thần của con người ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, một yếu tố dường như đi ngược lại với chiều hướng phát triển tốt đẹp đó chính là chất lượng môi trường sống ngày càng bị suy giảm. Đây là một thực trạng hết sức nguy hiểm, có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu, tác động tiêu cực không chỉ trong một vùng, một quốc gia mà trên phạm vi toàn thế giới.

Thực trạng và giải pháp đối với vấn đề ô nhiễm môi trường tại một số khu vực nông thôn hiện nay

Việt Nam là một nước đang phát triển, một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay đó là đẩy mạnh phát triển kinh tế, đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, tiến lên công nghiệp hóa hiện đại hóa. Trong sự phát triển chung đó, bộ mặt nông thôn nước ta đã có nhiều thay đổi tích cực. Mặc dù vậy một điều dễ nhận thấy đó là môi trường sống tại khu vực này đang có những suy giảm nghiêm trọng. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này.

Sự bùng nổ phát triển các khu công nghiệp,
Đã có một thời người ta đua nhau phát triển các KCN, tỉnh nào cũng có hàng chục KCN để thu hút các nguồn vốn đầu tư vào phát triển kinh tế. Việc xây dựng các KCN, KCX để tạo động lực phát triển kinh tế là điều tất yếu nhưng điều đáng nói ở đây là có nhiều dự án xây dựng KCN người ta chỉ xem trọng mục tiêu kinh tế, thu hút thật nhiều vốn đầu tư mà coi nhẹ hay thả lỏng các qui định về bảo vệ môi trường. Có KCN đã đi vào hoạt động hàng chục năm mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đa số các KCN, KCX ở nước ta mới có nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại B, chỉ có một số ít đoạt loại A và có nhiều nhà máy không đáp ứng được nhu cầu xử lý nước thải ngày càng nhiều hiện nay.

Ở cấp huyện, xã thì vai trò quản lý về mặt môi trường đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, chế biến thực phẩm… lại càng trở nên mờ nhạt hơn. Khi về nhiều vùng quê ngày nay không khó để bạn bắt gặp các cơ sở sản xuất xả chất thải trực tiếp ra môi trường mà không qua bất kỳ một hình thức xử lý nào dù là thô sơ nhất. Những dòng kênh xanh mát trước kia giờ đây trở thành những dòng nước chết.

Tôi còn nhớ khi còn nhỏ, cứ mỗi buổi chiều mùa hè, tất cả trẻ con trong xóm lại ra tắm ở con kênh gần nhà. Chính vì vậy mà tôi đã biết bơi khá tốt từ khi mới học lớp 1. Cũng từ con kênh đó chúng tôi đã có khá nhiều cá tôm cho những bữa ăn gia đình. Còn giờ đây ư, nếu tôi chỉ cho bạn đó là nơi chúng tôi đã từng ngụp lặn hàng tiếng đồ hồ lúc còn bé chắc bạn sẽ không tưởng tượng nổi đâu.

Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp,
Hiện nay việc sử dung phân chuồng, phân mục để bón cho cây ngày càng ít đi, có nhiều lý do nhưng một trong những điều đó là tính tiện lợi của các loại phân hóa học. Việc sử dụng nhiều phân hóa học trong thời gian dài và không có các biện pháp cải tạo đất sẽ làm cho đất đai trở nên bạc màu. Bên cạnh đó lượng tồn dư của chúng có thể bị rửa trôi và thấm vào đất gây ô nhiễm cho cả nguồn nước mặt và nước ngầm.

Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như hiện nay cũng là điều đáng báo động. Người ta xem chúng như những vị cứu tinh, có thể sử dụng bất cứ lúc nào. Chưa bàn đến khía cạnh người ta vì lợi ích mà bất chấp sự an toàn của người tiêu dùng. Chỉ riêng việc sử dụng một cách tràn lan các sản phẩm bảo vệ thực vật đã có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng đối với môi trường. Nếu có một khảo sát về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nhiều cánh đồng của Việt Nam thì tôi tin rằng con số thu được sẽ cao hơn mức cho phép nhiều lần. Có một vòng luẩn quẩn đang diễn ra, khi người ta dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật để tiêu diệt các loại sinh vật, dịch bệnh gây hại thì đồng thời cũng tiêu diệt luôn các loài thiên địch, sinh vật có ích. Như vậy sâu bệnh sau đó sẽ phát sinh nhiều hơn và người ta lại phải sử dụng nhiều thuốc trừ sâu hơn.

Một ví dụ đơn giản, hồi trước ở quê vào dịp hè hay khi rảnh rỗi, mỗi khi tôi xách giỏ ra cánh đồng khoảng 2,3 tiếng thì hôm đó sẽ có một bữa riêu cua ngon tuyệt vời. Hoặc hôm nào đó mang cần câu đi thì cũng có kha khá cá tôm mang về. Nhưng bây giờ thật khó để có thể làm được điều đó, một phần vì do quá trình “tận diệt” của con người nhưng theo tôi phần lớn là do chúng không sống được trong một môi trường ô nhiễm như vậy.

Rác thải sinh hoạt ngày càng nhiều,
Ngày trước ra thành phố thấy tiếng kẻng gọi đổ rác mỗi chiều cũng thật vui tai vì ở quê đâu thấy bao giờ. Nhưng ngày nay xóm nào cũng có một xe rác và còn làm không hết việc. Rác ở đâu mà nhiều vậy nhỉ?

Cùng với sự phát triển chung của xã hội, đời sống vật chất của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Lượng tiêu thụ hàng hóa cũng qua đó mà không ngừng tăng lên. Bên cạnh đó thói quen tiêu dùng và ý thức kém trong việc bảo vệ môi trường của người dân là yếu tố quan trọng gây nên ô nhiễm thông qua việc xả rác thải.

Trước đây bà hay mẹ đi chợ thường mang một cái rổ hay cái làn, chứ không xách túi nilon như bây giờ. Lượng túi nilon cứ tích tụ từ năm này qua năm khác mà không được xử lý ngày càng nhiều hơn. Ở thành phố, nếu người ta vứt trộm rác ra đường thì rồi cũng có người thu gom. Ở quê, những nơi có thể đổ rác là bờ ao, bờ sông… nếu có được thu gom thì chúng cũng chỉ được chôn lấp một cách thô sơ, chắc chắn về lâu dài sẽ có nhiều ảnh hưởng xấu tới môi trường.

Còn có khá nhiều yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới môi trường sống ở nông thôn như nạn chặt phá rừng, đào đãi, khai thác khoáng sản trái phép, khai thác thủy hải sản theo hình thức tận diệt như dùng xung điện, chất nổ, phát triển hình thức nuôi trồng thủy sản trên lồng bè một cách tự phát…

Chúng ta cần làm gì để giải quyết vấn đề môi trường ở nông thôn hiện nay,

Vấn đề trước tiên theo tôi là cần phải nâng cao tính hiệu quả của luật pháp đặc biệt là Luật bảo vệ môi trường. Trong đó bao gồm việc đưa ra những qui định chặt chẽ hơn trong lĩnh vực môi trường, chúng ta cần có những chế tài đủ mạnh để xử lý các hành vi vi phạm. Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường. Cần kiên định mục tiêu phát triển bền vững, phát triển kinh tế là cần thiết nhưng bảo vệ môi trường cũng vô cùng quan trọng. Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường ngay từ khi còn nhỏ cho các em học sinh bằng kết hợp lý thuyết với các hoạt động thực tiễn để hình thành nên thói quen bảo vệ môi trường.

Cụ thể với những vấn đề tôi đã nêu ra ở trên, xin đưa ra một số biện pháp giải quyết như sau:

- Quy hoạch và phát triển hợp lý các khu công nghiệp, khu chế xuất phù hợp với thế mạnh của từng vùng, từng địa phương. Trên cơ sở các qui định trong luật bảo vệ môi trường, tùy tình hình thực tế mà các địa phương có thể bổ sung các qui định riêng và bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện khi thuê đất tại các KCN, KCX nhằm bảo vệ môi trường tốt hơn. Buộc các KCN, KCX phải xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung với qui mô, công suất hợp lý trước khi đưa vào hoạt động. Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho ngành sản xuất đặc thù của mình. Có các chính sách khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp sử dụng công nghệ xanh vào đầu tư sản xuất.

Di dời triệt để các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ra khu vực tập trung, đảm bảo được các yếu tố về môi trường. Có hình thức xử phạt nghiêm khắc hoặc đóng cửa các cơ sở cố tình vi phạm và yêu cầu nộp các chi phí để khắc phục sự cố về môi trường.

- Tăng cường sử dụng các loại phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học. Điều này đòi hỏi chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nghiên cứu các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ. Khi đó tất yếu chúng sẽ được sử dụng nhiều. Áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến để làm giảm sự phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học như phương pháp trồng cây trong nhà kính, trồng xen canh… Nghiên cứu tạo ra các giống cây cho năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Tuyên truyền, nâng cao ý thức của người nông dân trong việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học như việc sử dụng theo đúng hướng dẫn, không vứt vỏ chai, lọ đựng thuốc trừ sâu bừa bãi. Việc làm này cần được thực hiện ở cấp cơ sở như tổ đội sản xuất, hợp tác xã…

Nâng cao chất lượng công tác khuyến nông, khuyến ngư theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Có qui hoạch vùng sản xuất một cách hợp lý, tránh tình trạng nuôi trồng một cách tự phát dẫn đến nguy cơ phát sinh nhiều loại dịch bệnh gây hại.

- Trong qui hoạch phát triển tại các khu vực nông thôn cần tính đến việc xây dựng các khu xử lý rác thải tập chung, đạt tiêu chuẩn.

Tuyên truyền vận động người dân trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Có thể đưa việc bảo vệ môi trường vào trong qui ước, hương ước của làng xã.

Nên hạn chế và dần tiến tới cấm sản xuất, sử dụng các loại túi nilon thay vào đó là những vật liệu thân thiện hơn với môi trường.

Hiện đã có 7.555 blog tại 139 quốc gia đăng ký tham gia (8:30AM GMT+7) Blog Action Day 2009.

Đây là sự kiện được tổ chức thường niên vào ngày 15/10 kêu gọi các blogger trên thế giới cùng viết về một chủ đề trong cùng một ngày trên blog của họ. Mục tiêu nhằm tập trung thảo luận xung quanh một vấn đề có tầm quan trọng mang tính toàn cầu. Chủ đề của năm nay là Biến đổi khí hậu.

Updated: Tổng kết sự kiện Blog Action Day 2009 diễn ra vào ngày 15/10: Có hơn 13.000 blogger ở 155 quốc gia đăng ký tham gia với khoảng 31.000 bài viết. Đáng chú ý là Thủ tướng Anh Gordon Brown và Ngoại trưởng David Milliband cũng có bài viết đăng trên blog hưởng ứng sự kiện này.

Bạn có thể cập nhật bài viết mới từ Blogger+ một cách nhanh nhất bằng cách:

Đăng ký nhận tin RSS;

Đăng ký nhận bài viết mới qua Email.


Copyright 2008 - 2022 - BloggerPlus.net. All rights reserved.
Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ trang này.
Designed by Pavel. Powered by Blogger
Based on CSS by Ourblogtemplates